DI TÍCH LỊCH SỬ
Đình Yên Ngưu nằm ở phía bắc làng Yên Ngưu, thờ hai vị đại vương Nguyễn Bồ và Nguyễn Bặc làm Thành hoàng. Theo truyền thuyết và tư liệu lịch sử vào cuối thời Ngô Quyền, xã hội nước ta lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc, nạn cát cứ, xưng hùng, xưng bá nổi lên khắp nơi, lịch sử gọi là loạn 12 sứ quân. Trong bối cảnh đó, hai anh em Nguyễn Bồ và Nguyễn Bặc đem theo đệ tử về dưới trướng của Đinh Bộ Lĩnh và được trọng dụng, lập nhiều chiến công, góp phần chấm dứt nạn cát cứ trong xã hội nước ta giai đoạn đầu tự chủ. Trong một lần giao tranh ở xứ Điền Kiều, xã cổ Điển với sứ quân Nguyễn Siêu, Nguyễn Bồ và Nguyễn Bặc bị bao vây, tổn thất nặng nề; biết khó thoát được, hai ông đã tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Sau khi lên ngôi vua, để tưởng nhớ công ơn hai vị tướng tài, Đinh Tiên Hoàng truy phong Nguyễn Bồ là Phù gia hiển huệ Chiêu nghĩa Đại vương, Nguyễn Bặc là Ứng thiên phong Đại vương. Nhà Đinh lại giao cho dân xã Cổ Điển và các xã trong vùng (trong đó có xã Yên Ngưu) thờ phụng. Ngày nay, đình Yên Ngưu còn lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công tích của hai vị thần:
- Nghĩa khí tráng sơn hà dực Đinh triều, bình sứ quân thập đạo đế phong đế thống không phù khai dịch xí.
- Tình trung tề nhật nguyệt hù Đỗ tặc, dực lê dân nhất trường oanh liệt quốc cừu thí bất cộng thanh thiên.
Nghĩa là:
- Nghĩa khí tráng sơn hà, giúp triều Đinh, bình sứ quân, thập đạo vinh phong, đế thống giữ gìn nên cờ lớn.
- Lòng trung ngang nhật nguyệt, diệt giặc Đỗ, cứu lê dân, chiến trường oanh liệt, quốc thù thề không đội trời chung.
Đình Yên Ngưu còn giữ được nhiều di vật có giá trị: đó là hai tấm bia đá Hậu thần được tạo vào giữa thế kỷ XVII, các bộ cửa võng, hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và cuốn thần tích cùng 9 đạo sắc phong cho các vị Thành hoàng làng, trong đó đạo sớm nhất vào niên đại Cảnh Trị nguyên niên (1663).
Đình Yên Ngưu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995.
Lễ hội làng Yên Ngưu, tổ chức từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ Đại vương Nguyễn Bồ, Nguyễn Bặc. Bắt đầu từ mùng 8 tháng 2, không khí lễ hội đã tràn ngập trong các gia đình và dòng họ trong làng, đường làng ngõ xóm được dọn dẹp sạch sẽ; ngoài đình làng, cụ từ và các bô lão dọn dẹp di tích, chồng kiệu ra sân đình, trực tại đình lo cho đèn nhang luôn sáng, hương khói không tắt.
Ngày mùng 9 tháng 2, làng tổ chức tế thần, đến 9 giờ tối là lễ bao sái đồ thờ bằng nước mưa lấy ở bể tại đình và dâng lễ vật, do cụ từ và các bô lão trong làng đảm nhiệm. Lễ vật ngoài hương, hoa, ngũ quả ra còn có thủ lợn, xôi, gà, oản, gồm bảy lễ chính do hội người cao tuổi đảm nhiệm, được dâng vào các ban trong Hậu cung, còn lễ vật của dân làng, dòng họ, các đoàn thể được đặt ngoài Đại bái.
Ngày mùng 10 tháng 2 - ngày chính tiệc có tế lễ và rước kiệu. Ngay từ 7 giờ 30 phút sáng, các đội tế, hàng đô khiêng kiệu, đội múa rồng, đội nhạc lễ đã tập trung tại sân đình. Ngay sau lễ Thành hoàng làng, khoảng 8 giờ sáng, lễ rước thánh bắt đầu. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng, cờ thần, cờ hội, cờ ngũ hành tiếp đến là bát bửu, lỗ bộ, hỏa bài, tàn lọng và phường bát âm, tiếp đến là kiệu bát công rước thánh ông và kiệu thánh bà. Theo tục lệ, đi sau kiệu là các bô lão chức sắc trong làng, tiếp đến là đội tế nam, các bà trong đội dâng hương nữ, cuối cùng là dân làng. Ngày nay, trong lễ hội làng Yên Ngưu còn có đoàn rước ảnh Bác Hồ của các cháu thiếu nhi.
Đoàn rước xuất phát từ đình và đi vòng quanh làng, tiếng sáo, tiếng đàn hòa tấu nhạc điệu “lưu thủy hành vân” làm cho đám rước vừa oai nghiêm vừa gần gũi. Đi tới đâu, dân cư các ngõ, xóm dựng cổng chào, bày mâm lễ, đốt hương bái vọng tiếp nghênh. Nhìn từ xa, thấy cờ bay, lọng tía, hỏa bài, binh khí,... hòa quyện vào nhau như một con rồng ngũ sắc đang uốn lượn trên đường làng. Đoàn rước đi tới chùa thì dừng lại để đội tế vào lễ Phật rồi trở về đình làng làm lễ tế Thành hoàng làng.
Song song với các nghi thức tế, rước thì các trò chơi dân gian như chọi gà, tổ tôm điếm, hát quan họ cũng được tổ chức để phục vụ đông đảo nhân dân...
Truyền thống lịch sử - văn hóa của Tam Hiệp góp phần làm giàu và phong phú thêm vùng đất Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay. Các truyền thống quý báu của quê hương phát huy tác dụng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, được các thế hệ nhân dân giữ gìn, bảo tồn và không ngừng nâng cao giá trị nhân văn. Việc tiếp tục khai thác, phát huy tốt những đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giá trị truyền thống là cơ sở quan trọng để Tam Hiệp vững bước trên con đường phát triển, trở thành một địa phương văn minh, giàu, đẹp nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa.