Thông Tin Người Phát Ngôn Thông Tin Người Phát Ngôn

Làng Huỳnh Cung rộn ràng khai hội truyền thống Xuân Giáp Thìn
Publish date 01/03/2024 | 15:53  | Lượt xem: 419

Sáng 29/2 (tức 20 tháng Giêng), Thôn Huỳnh Cung tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống Xuân Giáp Thìn 2024.

Đình Huỳnh Cung nằm ở phía đông thôn Huỳnh Cung. Đình thờ Uy Mang đại vương và Hồng Bác đại vương, con vua Hùng Nghị Vương. Theo truyền thuyết thì Hùng Nghị Vương là Vua Hùng thứ 17, trong một lần tuần du tới Tây Hồ, thấy đây là vùng đất đẹp bèn tức cảnh vịnh thơ và sai người bày soạn lễ vật, lập đàn bái yết trời đất. Sau ba ngày hương khói, khấn Phật, cầu tiên, nhà vua bỗng nhìn thấy một tiên nữ xinh đẹp ngồi ở bờ bắc hồ; vua hỏi tên thì được biết người con gái đó là Tiên Dung công chúa, con của Thượng đế được sai xuống trần giúp vua hộ quốc, an dân. Nhà vua vui mừng, lạy tạ Thượng đế rồi đưa Tiên Dung về cung làm lễ cầu hôn. Đến ngày mùng 2 tháng 9 năm Giáp Dần thì hạ sinh được hai người con trai thiên tư, đĩnh ngộ, phẩm chất hơn người, người anh là Uy Mang, người em là Hồng Bác. Lớn lên, hai người con đều tài giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật, văn võ, mọi người trong vùng đều nể trọng. Đến năm Giáp Ngọ, Hoàng hậu Tiên Dung mộng thấy một vị thần tự xưng là Thiên sứ đến báo là Thượng đế cho triệu nhị vị Uy Mang và Hồng Bác về chầu. Sau đó, ngày 26 tháng 5, trời đất nổi giông gió, hai hoàng tử không bệnh mà hóa. Đến đời Hùng Duệ Vương thứ 18, do có công phò vua giúp nước, nhà vua sắc phong thần cho Uy Mang và Hồng Bác, giao cho 27 nơi trong nước được nhận sắc về thờ phụng, trong đó có Huỳnh Cung. Đình Huỳnh Cung được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.

Lễ hội truyền thống làng Huỳnh Cung là dịp để nhân dân địa phương thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với công đức của các bậc tiền nhân đã có công với nước, đây còn là dịp để giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ mai sau. Lễ hội làng Huỳnh Cung năm nay được tổ chức trong vòng 3 ngày (từ 18 đến ngày 20 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với phần lễ và phần hội.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhân dân trong làng tổ chức lễ rước kiệu từ đình lên chùa và ngược lại, đồng thời tổ chức các nghi lễ truyền thống như: Lễ khai quang, rước điềm, tế lễ, lễ dâng hương và các gia đình, dòng họ, khách thập phương, cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn dâng hương lễ thánh. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng và các trò chơi dân gian sẽ được diễn ra trong suốt 3 ngày lễ hội để phục vụ nhân dân và du khách thập phương.

 

THÔNG TIN

Lịch công tác tuầnThư viên văn bảnDanh mục thủ tục hành chính Hỏi đáp thủ tục hành chínhHòm thư góp ýLịch tiếp công dân