DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Publish date 27/09/2024 | 10:05  | Lượt xem: 229

Ngày 20/6, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 158- HD/BTGTW về tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Trân trọng giới thiệu tới toàn thể nhân dân trên địa bàn xã nội dung văn bản Hướng dẫn.

Hà Nội tái hiện lại hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

- Căn cứ Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 01/12/2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương;

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 4571-CV/VPTW, ngày 19/8/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 03 năm 2023 - 2025, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 69-HD/BTGTW, ngày 20/9/2022 và Hướng dẫn số 126-HD/BTGTW, ngày 19/12/2023; nay hướng dẫn cụ thể công tác tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày giải phóng Thủ đô trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

2. Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh dũng, kiên cường của quân và dân cả nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững; phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

3. Công tác tuyên truyền kỷ niệm được tiến hành bằng các hình thức sinh động, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính giáo dục sâu sắc; kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, phù hợp với tình hình thực tế.

II. CHỦ ĐỀ VÀ NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

  1. Chủ đề tuyên truyền kỷ niệm

    “Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người - Nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý, tiêu biểu của dân tộc”

  2. Nội dung tuyên truyền

- Ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô; truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng.

- Những thành tựu vĩ đại của Đảng và dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, những thành tựu nổi bật của Thủ đô sau 70 năm giải phóng, đặc biệt là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước.

- Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, của Đảng bộ thành phố Hà Nội nói riêng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại” và chủ trương phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến; phát hiện, nhân rộng gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất, học tập và công tác trên các lĩnh vực, trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM

1. Tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ;

2. Tổ chức Lễ kỷ niệm

Danh nghĩa tổ chức: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội; đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc diễn văn kỷ niệm.

3. Tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia;

4. Tổ chức các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, tuyên dương và gặp mặt công dân ưu tú của Thủ đô;

5. Tổ chức các triển lãm về 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô;

6. Tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật đặc biệt;

7. Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, nhất là các di tích gắn với sự kiện giải phóng Thủ đô phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và phát triển;

8. Xây dựng phim tài liệu;

9. Xây dựng phim tài liệu tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng dân tộc;

10. Tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình theo chủ đề tuyên truyền;

11. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở Trung ương và địa phương bằng nhiều hình thức (trên báo chí, Internet, mạng xã hội; ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền; sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội; các hoạt động cổ động trực quan) tùy theo điều kiện cụ thể của các địa phương, đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm

1.1. Thành phố Hà Nội

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm trên đường Bắc Sơn.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trang trọng, chu đáo Lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Lưu ý chuẩn bị tốt kịch bản điều hành và chương trình Lễ kỷ niệm; chương trình nghệ thuật 30 phút, diễn văn và các bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về sự kiện. Lưu ý sớm ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo, chuẩn bị hệ bài tham luận đa dạng với chất lượng tốt để biên tập, in kỷ yếu.

- Chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Tổ chức các triển lãm; các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, tuyên dương và gặp mặt công dân ưu tú của Thủ đô; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, nhất là các di tích gắn với sự kiện giải phóng Thủ đô phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và phát triển.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình theo chủ đề tuyên truyền.

- Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm khác trên địa bàn Thành phố.

1.2. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm; chủ trì, phối hợp với thành phố Hà Nội biên soạn, phát hành đề cương tuyên truyền.

- Chủ trì, chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phim tài liệu về sự kiện bằng nhiều thứ tiếng dân tộc.

- Phối hợp với thành phố Hà Nội, Học viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia.

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; báo cáo Ban Bí thư theo quy định.

1.3. Văn phòng Chính phủ

Phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm trên đường Bắc Sơn.

1.4. Văn phòng Trung ương Đảng

Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, thành phố Hà Nội tham mưu, đề xuất đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự các hoạt động kỷ niệm.

1.5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phối hợp với thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tốt Hội thảo khoa học cấp quốc gia về sự kiện.

1.6. Bộ Quốc phòng

Phối hợp với thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về sự kiện.

1.7. Bộ Công an

Phối hợp với thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về sự kiện.

- Chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ để tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm; phối hợp tham gia các nhiệm vụ, hoạt động khác liên quan.

1.8. Bộ Ngoại giao

Phối hợp với thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cho phóng viên báo chí nước ngoài (khi có đề nghị); chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm gắn với việc tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quảng bá thành tựu công cuộc đổi mới, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

1.9. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức Cuộc thi sáng tác kịch bản các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình theo chủ đề tuyên truyền.

- Phối hợp với thành phố Hà Nội chỉ đạo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng phim tài liệu.

- Hướng dẫn ngành dọc tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, trọng tâm là tuyên truyền trên áp phích, bảng điện tử, triển lãm, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao chào mừng.

1.10. Bộ Thông tin và Truyền thông: Quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là việc đăng tải thông tin trên báo chí, trên Internet, mạng xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đăng tải thông tin sai trái, xuyên tạc về sự kiện, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

1.11. Đài Truyền hình Việt Nam

- Xây dựng phim tài liệu bằng nhiều thứ tiếng dân tộc để tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc; phát sóng phim tài liệu về sự kiện vào đợt kỷ niệm trong khung giờ phù hợp.

- Phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp chính luận nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

1.12. Đài Tiếng nói Việt Nam

Đưa tin về các hoạt động kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, địa phương và làm tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm trên các phương tiện truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam.

2. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương: tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm phù hợp với điều kiện cụ thể; chú trọng tuyên truyền trên báo chí, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; thông qua sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội và các hoạt động khác.

3. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương

- Các cơ quan báo chí bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; bảo đảm nguồn thông tin, tư liệu chính thống do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, phát hành. Chỉ khai thác những thông tin có lợi cho quốc gia, dân tộc; không khai thác những vấn đề có tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm”, còn có nhiều ý kiến khác nhau.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, truyền thanh trực tiếp Lễ kỷ niệm, chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt; tổ chức chiếu phim tài liệu và đưa tin về các hoạt động

- Đài Phát thanh và Truyền hình các địa phương tổ chức phát sóng phim tài liệu.

4. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội

- Tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương; chú trọng kiểm tra, đôn đốc các hoạt động tuyên truyền, nhất là trên báo chí, Internet, mạng xã hội và các phương tiện cổ động trực quan.

- Chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan liên quan để phát sóng các phim tài liệu.

V. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)!

2. Hà Nội - Mảnh đất nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình!

3. Hà Nội - Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người!

4. Hà Nội - Thành phố vì hòa bình!

5. Thủ đô Hà Nội - Trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia!

6. Phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại!

7. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần!

8. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

9. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

10. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!