DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

ĐÌNH HUỲNH CUNG - DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA
Publish date 10/05/2023 | 15:23  | Lượt xem: 1022

Đình Huỳnh Cung, nằm ở phía đông thôn Huỳnh Cung. Đình thờ Uy Mang đại vương và Hồng Bác đại vương, con vua Hùng Nghị Vương. Theo truyền thuyết thì Hùng Nghị Vương là Vua Hùng thứ 17, trong một lần tuần du tới Tây Hồ, thấy đây là vùng đất đẹp bèn tức cảnh vịnh thơ và sai người bày soạn lễ vật, lập đàn bái yết trời đất. Sau ba ngày hương khói, khấn Phật, cầu tiên, nhà vua bỗng nhìn thấy một tiên nữ xinh đẹp ngồi ở bờ bắc hồ; vua hỏi tên thì được biết người con gái đó là Tiên Dung công chúa, con của Thượng đế được sai xuống trần giúp vua hộ quốc, an dân. Nhà vua vui mừng, lạy tạ Thượng đế rồi đưa Tiên Dung về cung làm lễ cầu hôn. Đến ngày mùng 2 tháng 9 năm Giáp Dần thì hạ sinh được hai người con trai thiên tư, đĩnh ngộ, phẩm chất hơn người, người anh là Uy Mang, người em là Hồng Bác. Lớn lên, hai người con đều tài giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật, văn võ, mọi người trong vùng đều nể trọng. Đến năm Giáp Ngọ, Hoàng hậu Tiên Dung mộng thấy một vị thần tự xưng là Thiên sứ đến báo là Thượng đế cho triệu nhị vị Uy Mang và Hồng Bác về chầu. Sau đó, ngày 26 tháng 5, trời đất nổi giông gió, hai hoàng tử không bệnh mà hóa. Đến đời Hùng Duệ Vương thứ 18, do có công phò vua giúp nước, nhà vua sắc phong thần cho Uy Mang và Hồng Bác, giao cho 27 nơi trong nước được nhận sắc về thờ phụng, trong đó có Huỳnh Cung.

Ngôi đình làng Huỳnh khá lớn được xây dựng vào thời Lê. Cảnh trí nơi đây thật đẹp, trước đình là một khu đất và hồ nước rộng mênh mông. Nơi đây đã chứng kiến những sinh hoạt văn hóa của bao thế hệ người làng Huỳnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay nhân dân làng Huỳnh vẫn giữ được bản thần tích của hai vị thần thờ ở đình, ở chùa, 10 đạo sắc phong thần của nhiều triều đại. Đình Huỳnh Cung còn giữ được khá nhiều hiện vật trên chất liệu gỗ, giấy, đá có niên đại, phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX và XX. Những hiện vật cổ xưa nhất hiện còn phải kể tới bộ cửa võng có đề bốn chữ Thánh cung vạn tuế ) và hai chiếc chùy gỗ nằm trong bộ bát bửu ở Đại bái. Hiện vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX và XX gồm: ngai thờ, bài vị, hạc thờ, lư hương; cùng với đó là sắc phong, thần phả phụng sao năm Duy Tân thứ 7 (1913), bộ bát bửu, biển rước tạo năm Bảo Đại thứ 6 (1930), đây là một trong rất ít bộ bát bửu ghi niên đại tuyệt đối, rất có giá trị để nghiên cứu lịch sử đồ thờ trong di tích của người Việt. Đại bái bài trí đôi câu đối khá hay:

Phiên âm:

Vạn cổ anh linh chiêu thánh đức,

Thiên thu ân lộ phúc dân lư.

Tạm dịch:

Vạn cổ anh linh ngời thánh đức;

Nghìn thu mưa móc giúp dân sinh.

Cũng tại đình Huỳnh Cung, ngày 19-2-1947, Đội quân báo Thiếu nhi, tiền thân của Trạm giao thông và Trung đội thiếu niên Bát sắt, Công an Quận VI - Hà Nội đã làm lễ tuyên thệ, bí mật xuất phát trở về vùng tạm chiếm Hà Nội, tiếp tục chiến đấu chống thực dân Pháp, góp phần giải phóng Thủ đô.

Đình Huỳnh Cung được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.

Lễ hội làng Huỳnh Cung được tổ chức trong vòng bốn ngày từ ngày 18 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tôn vinh Thành hoàng làng và Đức thánh hiền Chu Văn An.

Để chuẩn bị cho lễ hội, ban tổ chức tiến hành họp trù bị, phân công công việc cụ thể cho từng ban (ban tế lễ, ban tiếp khách, ban hậu cần, ban điều hành công việc rước kiệu...); các đội múa rồng, múa sênh tiền cũng phải được tập dượt lại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sơ suất trong ngày hội. Vị chủ tế sẽ được dân làng lựa chọn cẩn thận với những tiêu chuẩn như: nam giới ngoài 50 tuổi, gia đình nền nếp, vợ chồng song toàn, con cái đầy đủ, ngoan ngoãn, hiếu thuận và không vướng vào tang bụi. Trong buổi tế, trang phục của chủ tế gồm áo dài đỏ, quần trắng, mũ đỏ; còn những người khác mặc áo tế xanh lam, quần trắng, mũ xanh.

Sáng ngày 18, ban tế sẽ tiến hành bao sái tượng và đồ lễ trong đình. Riêng đồ thờ trong Hậu cung chỉ do chủ tế và thủ từ thực hiện. Đầu giờ chiều, đội ngũ các bô lão đã tề tựu trước cửa ở sân đình trong trang phục quần áo tế lễ cổ truyền để tiến hành lễ tế trong tiếng trống trầm hùng.

Ngày 19, dành riêng để các gia đình, dòng họ, các tổ chức, cá nhân trong thôn Huỳnh Cung đều chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn bày lên bàn thờ tại gia, đồng thời mang lễ ra đình lễ thánh. Đây cũng là dịp để con cháu trong gia đình, dòng họ hội ngộ, tập trung trong bữa cơm gia đình cùng nhau ôn lại truyền thống của làng xã, dòng tộc. Đặc biệt, gia đình nào có người trong ban chấp sự thì đều lấy làm hãnh diện, vinh dự.

Ngày 20 là ngày hội chính, tiếng trống hội rộn ràng từ lúc sáng sớm. Lễ khai mạc trang trọng, có màn tuyên dương các học sinh giỏi, các gia đình có người đỗ đạt cao giúp ích được cho đất nước, làng xã. Sau đó nhân dân rước kiệu đến lễ tại Đài lưu niệm Bác Hồ về thăm và chúc tết nhân dân xã Tam Hiệp ngày mùng Một Tết Quý Mão (25-1-1963) rồi lên chùa làng tế lễ, dâng hương Đức thánh Chu Văn An. Đi đầu đoàn rước là đội múa sư tử của các võ sinh trong làng; thứ hai là đội rước cờ, biển ngạch, bát bửu, gồm các cụ mặc áo the hoặc áo dài truyền thống, đầu vấn khăn; thứ ba là đội dâng đồ lễ của các dòng họ, các xóm ngõ và dân chúng trong làng; thứ tư là ban tế và các thanh nữ mặc áo dài hồng đội tráp lễ; sau cùng là đội khiêng kiệu do nam thanh nữ tú của làng đảm nhiệm. Ngày nay, trong lễ hội làng Huỳnh Cung còn có đoàn rước ảnh Bác Hồ của các cháu thiếu nhi đi ngay sau đội múa rồng. Sau khi rước một vòng lên chùa, quay về đình sẽ làm lễ tế. Chiều ngày 20 có giao lưu văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian như chọi gà, đấu cờ, bóng đá giữa các làng tại sân vận động của xã, trước cửa đình.

Ngày 21 là ngày giã hội, từ sáng sớm các cụ bô lão đã chuẩn bị để làm lễ tạ tại đình làng; tổng kết công việc, rút ra những bài học kinh nghiệm để năm sau thực hiện được tốt hơn. Có thể nói, lễ hội làng Huỳnh Cung được tổ chức khá lớn, diễn ra tưng bừng, trong không khí trang nghiêm, thành kính của dân làng và nhân dân các vùng phụ cận tham gia lễ hội