DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

CHÙA HUỲNH CUNG - DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA
Ngày đăng 10/05/2023 | 15:22  | Lượt xem: 763

Chùa Huỳnh Cung có tên chữ là “Sùng Phúc tự”. Chùa tọa lạc trên một diện tích rộng hai mẫu tám sào Bắc Bộ, nằm ở đầu thôn Huỳnh Cung, trong một không gian thoáng đãng. Tương truyền rằng: Ngày xưa, có một pho tượng đá ngồi trên tòa sen tự nhiên nổi lên ở thửa ruộng “Nhất tự”, dân các làng đều muốn rước Ngài về thờ nhưng không khiêng được và chỉ đi được vài trăm mét thì phải dừng lại không đi được nữa. Dân làng nhận thấy đây là điềm lành đã dựng ở nơi đó một ngôi chùa để thờ Ngài (chính là ngôi chùa hiện nay).

Tượng Đức Vua nay vẫn còn ở chùa Sùng Phúc. Đến chùa mọi người thấy ở bên tả của Tam bảo có pho tượng đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo đại trào có thắt lưng, ngồi trên tòa sen. Cốt tượng bằng sa thạch nên pho tượng là một ví dụ độc đáo về kỹ thuật tô tượng, đắp tượng ở nước ta xưa kia. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 10 chân tảng đá xanh kê cột, trang trí diềm ngoài là 15 hoặc 16 cánh sen nhỏ nhắn, xinh xắn mang phong cách nghệ thuật đời Lý và cũng phù hợp với điều ghi trong tấm bia năm 1735, ở bên hữu tiền đường chùa ghi về việc trùng tu chùa lớn vào thời kỳ này.

Chùa kiến trúc theo kiểu nội công, ngoại quốc. Trong chùa có 49 pho tượng, có nhiều pho tượng đúc vào thế kỷ XVIII. Một bài văn ghi trên quả chuông chùa tuy đúc năm Thành Thái thứ 7 (1895) nhưng cũng cho thấy chùa Sùng Phúc đã có từ lâu. Dân làng đã đúc chuông, song, vật đổi, sao dời, chuông mất, tiếng chìm, sau này làng lại đúc một lần nữa. Đến nay dân làng lại bàn việc hưng công, quyên góp thập phương để đúc chuông chùa.

Chùa Huỳnh Cung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.